VAI TRÒ CỦA TU SĨ PHẬT GIÁO NAM TÔNG TRONG ĐỜI SỐNG XÃ HỘI CỦA NGƯỜI KHMER Ở TÂY NAM BỘ HIỆN NAY

Nội dung: VAI TRÒ CỦA TU SĨ PHẬT GIÁO NAM TÔNG TRONG ĐỜI SỐNG XÃ HỘI CỦA NGƯỜI KHMER Ở TÂY NAM BỘ HIỆN NAY
Trong các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, người Khmer là cộng đồng dân tộc có dân số tương đối lớn. Với dân số gần 1,3 triệu người1, người Khmer sinh sống phân bố chủ yếu ở 9 tỉnh Tây Nam Bộ. Cư trú tại địa bàn có vị trí chiến lược về an ninh, quốc phòng của Việt Nam, vì vậy, các chính sách dân tộc - tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta đối với đồng bào Khmer luôn giữ một vị trí quan trọng, không những đảm bảo sự ổn định lâu dài và tạo điều kiện phát triển vùng đồng bào dân tộc Khmer, mà còn là nhân tố đảm bảo sự phát triển đồng bộ của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Phật giáo Nam tông có vai trò rất quan trọng đối với dân tộc Khmer và đã trở thành cốt lõi của nền văn hóa Khmer đặc sắc và độc đáo. Hầu như mọi sinh hoạt của gia đình, cộng đồng phum, sóc đều gắn với tín ngưỡng tôn giáo dân tộc, người Khmer đều dựa vào triết lý của đạo Phật. Mọi sinh hoạt, lễ hội của gia đình hoặc cộng đồng dù lúc vui hay buồn, đều mời các vị sư tham gia làm lễ, đọc Kinh. Việc trang trí nhà cửa, lễ đài, chùa của hầu hết các gia đình, phum sóc vùng dân tộc Khmer đều có ảnh hoặc tượng của Đức Phật đặt nơi trang trọng nhất. Các thành viên trong cộng đồng đều tôn thờ Đức Phật, kính trọng sư sãi. Người dân, dù ở lứa tuổi nào ai ai cũng đều đi chùa. Từng gia đình ít nhiều đều có đọc Kinh Phật. Đặc biệt, khi xảy ra hoạn nạn, ốm đau, tai biến trong gia đình, trong cộng đồng, đồng bào Khmer đều cầu mong Đức Phật độ trì, mời sư sãi đến làm lễ, đọc kinh niệm Phật mong cho tai qua nạn khỏi.