Ngọn Nến Vu Lan (Sách Ebook PDF)
Nội dung: Ngọn Nến Vu Lan (Sách Ebook PDF)
NGỌN NẾN VU LAN
Thích Thái Hòa
Nhà xuất bản Hồng Đức
Mục Lục
Nến Vu Lan Thắp Sáng Giữa Đời Thường
Pháp Thoại Vu Lan Pl.2560
Pháp Thoại Vu Lan Pl.2562
Pháp Thoại Vu Lan Pl.2563
Pháp Thoại Vu Lan Pl.2566
Pháp Thoại Vu Lan - Khóa Tu Hãy Là Thiện Tri Thức Của Nhau
Pháp Thoại Vu Lan - Khóa Tu Quay Về Để Thấy.
Vu Lan - Mùa Mở Những Sợi Dây Treo Ngược
Hiếu Hạnh
Ngọn Nến Vu Lan
Tình Hoa Trắng
Lời Thơ Dâng Mẹ
Lời Mẹ Ru
NẾN VU LAN
THẮP SÁNG GIỮA ĐỜI THƯỜNG
Trong truyền thống Phật giáo, lễ Vu lan là ngọn nến hiếu hạnh thắp sáng giữa đời thường để cho ai có mắt thì được thấy, có trí thì được sáng tỏ, có tâm thì cảm và có tình, thì tình thêm sáng đẹp, rộng và sâu.
Ngọn nến Vu lan đã trải qua bao đời thắp sáng mọi hiện hữu để cho ta thấy những ý nghĩa như sau:
Ngày Tăng Tự Tứ
Ngày Rằm tháng bảy, ngày Tự tứ của Tăng, sau ba tháng an cư kiết hạ, các Tỷ-kheo thành viên của Tăng tịnh tu trau dồi Giới định tuệ. Ngày này chính là ngày các Tỷ-kheo Tăng tập họp tại Giới trường để làm lễ Tự tứ.
Tự tứ, tiếng Phạn là pravāraṇā và Pāli là pavãraṇã. Hán phiên âm là bát-hòa-la và dịch là Tự tứ, Thỉnh thỉnh hay Tùy ý…
Tự tứ, nghĩa là tự thân vị Tỷ kheo buông ra lời thỉnh cầu vị đồng tu, đồng học, được Tăng sai làm người Tự tứ, chỉ điểm những lỗi lầm của mình cho mình từ ba trường hợp thấy, nghe và nghi, sau ba tháng an cư.
Thỉnh thỉnh, nghĩa là thỉnh cầu vị đồng phạm hạnh được Tăng sai làm người Tự tứ chỉ điểm những lỗi lầm của mình cho mình, sau ba tháng an cư, trong ba trường hợp thấy, nghe và nghi.
Pravāraṇā, ngài Nghĩa-tịnh dịch là Tùy ý sự, ở trong Căn bản nhất thiết tỳ-nại-da, cũng có nghĩa tương tợ như vậy.
Cầu thỉnh vị chỉ điểm lỗi lầm trong lễ Tự tứ, vị chỉ điểm phải có đầy đủ năm phẩm chất, gồm:
- Không có thiên ái.
- Không có sân hận.
- Không có sợ hãi khi chỉ điểm những lỗi lầm của người.
- Không có si mê, mù quáng.
- Phải biết đúng thời chỉ điểm, ai là người đã chỉ điểm và ai là người chưa chỉ điểm.
Lễ Tự tứ của chúng Tăng là lễ mà vị Tỷ-kheo cầu thỉnh vị Tỷ-kheo có đầy đủ năm chất liệu không thiên ái, không sân hận, không sợ hãi, không si mê, biết ai đã Tự tứ và ai chưa Tự tứ, do Tăng tác pháp bạch nhị yết-ma sai cử. Khi Tăng tác pháp yết-ma để sai cử vị Tỷ-kheo có đủ năm đức nầy làm vị chỉ điểm lỗi của vị Tỷ-kheo cầu thỉnh trong ba trường hợp thấy - nghe - nghi, sau ba tháng an cư trong lễ Tự tứ, vị Tỷ-kheo cầu thỉnh chỉ điểm và sau khi đã được vị chỉ điểm, chỉ điểm lỗi lầm một trong ba trường hợp thấy - nghe - nghi, cho vị cầu thỉnh, nếu vị cầu thỉnh thấy có tội, thì liền như Pháp mà sám hối, khiến cho Giới thể trở lại thanh tịnh.
Truyền thống thỉnh cầu những người khác chỉ điểm những lầm lỗi của mình cho mình là một truyền thống cao quý và cực kỳ văn minh trong Phật giáo.
Mình muốn mình tốt hơn, đẹp hơn, khách quan hơn, dễ thương hơn, thì mình phải cầu mong người khác chỉ điểm những lỗi lầm của mình cho mình. Bản thân mình chỉ có thể tiến bộ, khi nào mình biết cầu xin người khác chỉ điểm những lỗi lầm của mình cho mình một cách thành khẩn.
Gia đình có tiến bộ và văn minh khi những thành viên trong gia đình biết cầu mong những người đàng hoàng trong gia đình, chỉ điểm những lỗi lầm của mình cho mình một cách thành khẩn.
Một xã hội chỉ có tiến bộ và văn minh, khi nào những tổ chức trong xã hội, hay những người có quyền lực trong chính quyền, biết cầu mong người dân chỉ điểm những lỗi lầm của mình cho mình qua trưng cầu dân ý. Người dân cũng chỉ có thể tiến bộ và văn minh, khi nào người dân biết cầu thỉnh những nhà chức trách chỉ điểm những lỗi lầm của mình cho mình.
Như vậy, pháp Tự tứ là pháp mà bản thân của các Tỷ-kheo muốn tiến bộ trên con đường Giới Định Tuệ, sau ba tháng an cư, họ cầu thỉnh Tăng chỉ điểm những lầm lỗi của họ cho họ, qua ba trường hợp thấy, nghe và nghi, để cho bản thân Tỷ-kheo cầu thỉnh có cơ hội sám hối và chỉnh sửa để hoàn thiện đạo đức tự thân và thăng hoa trên Thánh đạo. Do đó, trong Phật giáo, lễ Tự tứ là truyền thống cầu thỉnh người khác phê bình những lầm lỗi của mình cho mình. Truyền thống nầy có thể không thích ứng cho một xã hội tri thức hoang dại hay một nền tín ngưỡng rừng rú, nhưng nó lại là một truyền thống tốt đẹp, tạo thành nền đạo đức và văn minh nhân loại.
Một xã hội người, thực sự có văn minh, khi nào các thành viên tự ý thức những lỗi lầm của mình và biết mời người khác chỉ điểm những lỗi lầm của mình cho mình, để chỉnh sửa.
Nên, ngày Rằm tháng bảy, ngày Tự tứ của Tăng là ngày, mà tự thân của mỗi Tỷ-kheo, tự mình cầu thỉnh Tăng chỉ điểm những lầm lỗi của mình cho mình. Chính sự cầu thỉnh nầy mở ra cho vị Tỷ-kheo một đời sống hoàn hảo trong hiện tại và vững bước tiến tới tương lai.