Xứ Trầm Hương I Quách Tấn
Nội dung: Xứ Trầm Hương I Quách Tấn
XỨ TRẦM HƯƠNG
Quách Tấn
Lá Bối | Nhà xuất bản Văn Học Nghệ Thuật Khánh Hòa
MỤC LỤC
- Lời thưa
- Xứ Trầm Hương
01 - Phần thứ nhất - Lịch sử
02 - Phần thứ nhì - Địa lý
- Chương I - Hình thể
- Chương II - Núi non
A. Đại Lãnh
Tam Phong
B. Mẫu Tử
Chữ M’Ta
Chữ Kroa
C. Những ngọn núi cao trên 1.000 thước
D. Những núi có danh
Đ. Đèo
- Chương III - Sông
A. Sông Dinh
B. Sông Cù;
C. Các con sông nhỏ đáng kể.
- Chương IV - Đồng bằng
- Chương V - Biển và bờ biển
- Chương VI - Khí hậu
03. - Phần thứ ba - Thắng cảnh cổ tích
Chương I- Nha Trang và bãi biển cùng các thắng cảnh cổ tích trong thành phố.
Chương II - Tháp Bà, Hòn Đá Chữ
Chương III - Hang ông Bưởi, Hang ông Già
Chương IV - Suối Tiên
- Suối Đổ
- Suối Ngổ
- Suối Ồ Ồ
- Suối Ba Hồ
- Suối Đá Xẻ
- Suối Cát.
Chương V - Thành Diên Khánh, Lăng Bà Vú.
Chương VI - Những nơi thờ phụng
A. Đền, Miếu
B. Chùa Chiền
04. Phần thứ Tư - Dân Sinh
Chương I - Dân số
Chương II - Sinh hoạt
Chương III - Ngôn ngữ, Tính tình
Chương IV - Tín ngưỡng
A. Phật giáo
B. Công giáo
C. Các tôn giáo khác
D. Nho giáo
Chương V - Kinh tế
A. Nông nghiệp
B. Lâm sản
C. Hải sản
D. Thương mại
E. Đối món ăn đặc biệt
Chương VI - Văn học
Chương VII - Xã hội
Chương VIII - Hành chánh
A. Tổ chức hành chánh
B. Các khu nhà
Chương IX - Tư pháp
Chương X - Những cơ sở độc lập
A. Cơ sở tôn giáo
- Phật học viện Hải Đức
- Tu viện Phan Xi Cô
- Tu viện La San
- Thần học viện Tin Lành
B. Cơ sở khoa học
- Viện Pasteur
- Viện Hải Học
05. Phần thứ Năm - Nhân vật
Nhân vật thời xưa; Nhân vật trong phong trào Cần Vương, Hòa thượng Thích Quảng Đức, Bác sỹ Yersin.
Kết luận
Sách tham khảo
06. Phụ lục
I. Hồi ký về cuốn Xứ Trầm Hương
A. Đôi nét về tỉnh Khánh Hoà
B. Xứ Trầm Hương
II. Bên lề cuốn Xứ Trầm Hương
- Bức thư gởi báo Đại Đoàn Kết
- Bên lề cuốn Xứ Trầm Hương
- Đính chính của tạp chí Nha Trang.
III. Những bài báo viết về Xứ Trầm Hương
- Nha Trang là tên sông lấy đặt cho thành phố hay là tên thành phố dùng làm tên sông.
- Hòn Trại Thủy trước thời Pháp thuộc
- Đầm Én và Rừng Mai tuy mất nhưng vẫn còn…
- Nha Trang có cọp có ma
- Một thị xã bị bỏ quên của Nha Trang
- Đôi vần ca xưa của Khánh Hoà
- Tết nói chuyện Trầm hương
IV. Phê bình cuốn Xứ Trầm Hương
- Tôi đọc đôi nết về tỉnh Khánh Hoà của Quách Tấn
- Quách Tấn và buổi chiều vàng của Đông Phương
- Quách Tấn - Quê hương và thơ
- Tấm lòng đã trải cùng non nước
- Riêng nhớ tình xưa ghé bến thăm
- Vĩnh biệt thi sĩ Quách Tấn
- Quách Tấn và đêm giao thừa ở Tháp Bà
V. Cước chú
- Bài Minh (Minh văn) gọi là Võ Cạnh.
- Tổ chức hành chính
- Theo dấu chân bác sĩ Yersin lên đỉnh Hòn Bà
- Bia tháp Pô Na Ga của Phan Thanh Giản
LỜI THƯA
Khánh Hòa là xứ Trầm Hương
Non cao biển rộng người thương đi ve.à
T.X
KHÁNH HÒA LÀ XỨ TRẦM HƯƠNG
Nhưng XỨ TRẦM HƯƠNG không phải là Khánh Hòa Tỉnh chí.
Bởi Địa Phương Chí, thiết tưởng, phải do nhà Địa Lý Học chuyên môn hoặc người địa phương lịch lãm ra công biên khảo, thì mới nói được đầy đủ những gì đáng nói, cần nói, và những gì nói ra mới thật chính xác, mới có sinh khí, mới phản ảnh đúng chân diện mục của nước non.
Tôi không phải là nhà Địa Lý Học chuyên môn, lại là người Bình Định. Tự biết không đủ khả năng, không đủ tư cách, lẽ đâu lại đi viết địa phương chí Khánh Hòa.
Viết XỨ TRẦM HƯƠNG, tôi chỉ làm một việc mà nhiều người có thể làm được, nếu muốn, là ghi chép lại những gì đã thấy, đã nghe, đã cảm trong mấy mươi năm sống cùng non nước Khánh Hòa.
Ghi chép lại vì nhận thấy đẹp, thấy hay, thấy thú, thấy đáng yêu đáng quý, đáng ra công gìn giữ cho đoàn hậu tiến có lòng cùng non nước.
Ghi chép lại hầu mong bạn xa ghé mắt rồi đem lòng thương tưởng đến Khánh Hòa mà tôi kính yêu như bà Nghĩa Mẫu, vì nuôi nấng tôi gần nữa đời người.
Mục đích viết XỨ TRẦM HƯƠNG là thế, và chỉ có thế.
Nghĩa là tôi không có tham vọng viết một quyển sách địa lý, mà chỉ mong giới thiệu được những cái thấy cái hay cái đẹp của Khánh Hòa, về mặt thiên nhiên cũng như về mặt nhân sự.
Cho nên tôi thiên về phong cảnh, cổ tích, giai thoại, huyền thoại…, là những cái dễ mất. Còn những cái gì thuộc về khoa học, thuộc về chuyên môn thuần túy, là những cái thường còn, thì nượng cho các nhà học giả.
Do đó XỨ TRẦM HƯƠNG có tánh cách một tập du ký hơn là biên khảo.
Vì vậy nên bảo XỨ TRẦM HƯƠNG không phải là Địa Phương Chí Khánh Hòa.
Thế thì nó là gì?
Tùy cao tình nhã ý của bạn đọc.
Tấm lòng đã trải cùng non nước
Thương được nhừo ơn cũng chẳng nhờ.
Xin thưa thêm chút nữa:
XỨ TRẦM HƯƠNG vốn là ĐÔI NÉT VỀ TỈNH KHÁNH HÒA nhuận chính và bổ túc.
Và ĐÔI NÉT VỀ TỈNH KHÁNH HÒA hoài thai từ thời Pháp thuộc, lúc tôi còn làm việc tại Tòa Sứ Nha Trang (1935-1945).
Lúc ấy thỉnh thoảng đi theo làm thông ngôn cho các nhà du lịch, các nhà khảo cổ ngoại quốc, tôi biết được thêm một ít thắng cảnh, một ít cổ tích ở những nơi xa vắng, ngoài những danh lam thắng ở gần nơi xe ngựa lại qua. Tôi lại được các vị tiền bối như cụ Cử PHAN BÁ VỸ, cụ Đề NGÔ VĂN NHƯỢNG, nhà Nho TRẦN KHẮC THÀNH… kể cho nghe nhiều sự tích ly kỳ lý thú.
Nhờ đó mà tôi viết nên ĐÔI NÉT VỀ TỈNH KHÁNH HÒA.
Viết năm 1962
Viết để thuyết trình trong một buổi học tập thường kỳ của anh chị em công chức Nha Trang, và để đọc trên Đài Phát Thanh Nha Trang mỗi chiều thứ bảy.
Sau tôi in ronéo cho phổ biến.
HIẾU CHÂN và một số thân hữu xa gần tán thưởng.
Giáo sư PHAN NGỌC CHÂU ở Saigon, cao hứng, viết bài phê bình đăng phụ trương báo Tự Do số 1902, 1908 ra ngày chúa nhật 14 và 21 tháng 7 năm 1963.
Viết văn mà được hàng thức giả để ý là một cái thú vô giá. Riêng tiếc chưa nói hết được những gì mình được biết về Khánh Hòa.
Duyên may run rủi:
Trong bức thư gởi cho tôi cuối xuân năm Mậu Thân (22-4-1968). NGUYỄN HIẾN LÊ khuyên nên viết kỹ lại.
VÕ HỒNG và CHÂU HẢI KỲ cổ xúy thêm.
Nguồn hứng vừa khơi lại thì gặp Hòa Thượng THÍCH TRÍ THỦ và Đại Đức HẢI TUỆ. Hòa Thượng hứa ủng hộ việc xuất bản. Đại Đức giúp phương tiện đi thăm lại những cảnh cần thăm và có thể đến thăm.
Trong lúc đi, tôi thu thập thêm được nhiều tài liệu quý báu.
Thật là những liều kích thích tố tinh thần khiến tôi hăng hái làm việc.
Khởi sự từ đầu tháng 9 năm 1968, tôi quyết cố gắng hoàn thành trước tháng 12, hầu mong kịp ra mắt bạn đọc trong dịp xuân Kỷ Dậu, để làm “quà mừng” tuần hoa giáp của tôi.
Nhưng trời chẳng chìu người! Vừa viết xong được hơn ba phần tư thì tôi bị ngoại bệnh.
Sáu tháng trời xuôi!
Mãi đến tháng 6 năm 1969, tôi mới tiếp tục lại được công việc bỏ dở!
Và đã hoàn tất sau một thời gian cần cù.
Nhận thấy tên ĐÔI NÉT VỀ TỈNH KHÁNH HÒA không được gọn, bèn đổi là XỨ TRẦM HƯƠNG.
Nâng niu bản thảo, tôi chợt nhớ đến câu hát xẩm của Tản Đà Tiên sinh:
“Văn không hay thì không đỗ thời đừng…
“Gió mưa khỏi chết, nửa mừng (anh lại) nửa thương!
“Nghiệp bút nghiên cay đắng trăm đường!”
Lòng thê nhiên cảm khái.
Nên trước khi dừng bút, xin có mấy lời thành kính:
- Bộc bạch tấm lòng cùng bốn bể tri ân.
- Hoài niệm các bậc tiền bối mà buổi sinh tiền đã giúp tôi hiểu biết được Khánh Hòa.
- Tạ lòng Hòa Thượng và Đại Đức cùng quý bạn thân mến “đã lòng hạ cố đến nhau”.
- Thỉnh cầu các bậc cao minh chỉ giáo cho những điểm sai lầm thiếu sót, mà dù cố gắng đến đâu cũng không sao tránh khỏi, hầu mong khỏi mang điều “thiên tải ngộ nhân”.
Nợ dâu vướng ruột tầm xuân,
Bao phen ngủ thức, bao lần nắng mưa…
Băn khoăn cơm đứng mà chờ
Nước non xe thắm mối tơ chung tình.
Viết tại Nha Trang, tiết Tiểu Thử năm Kỷ Dậu
(Trung tuần tháng 7 năm 1969)
QUÁCH TẤN