Chứng Đạo Ca

Phần nhập đề
Ngài Phra Ajaan Mun Bhùridatto Mahàthera (1870-1949) chắc chắn là nhà sư Phật Giáo được kỉnh mộ nhiều nhất trong lịch sử Thái Lan, thời hiện đại. Ngài xuất gia vào năm 1893 và phần lớn sống du phương trong rừng tại Thái Lan, Miến Ðiện và Lào để hành thiền. Ngài có một số lớn đệ tử, và cùng với sư thầy -- Ngài Phra Ajaan Sao Kantasìla Mahàthera -- thiết lập truyền thống tu sĩ ẩn dật trong rừng, ngày nay lan rộng tại Thái Lan và nhiều quốc gia khác.
Mặc dầu nổi tiếng là một vị đạo sư, rất ít những lời dạy của Ngài được ghi chép lại cho hậu thế. Chỉ còn một quyển sách mỏng lưu truyền vài thời Pháp của Ngài, tựa đề Muttodaya (Tâm Giải Thoát) đã được ấn hành khi Ngài còn tại thế. Thông thường các đệ tử tin rằng chính Ngài không hề viết lại những lời dạy. Tuy nhiên sau khi Ngài viên tịch, bài thơ sau đây được tìm ra trong đám giấy tờ để lại. Như đã có ghi trên trang cuối cùng, bài thơ được soạn thảo nhân một lần Ngài tạm lưu ngụ tại Wat Srapatum (Chùa Ðầm Sen), Bangkok, có thể vào đầu thập niên 1930. Hình như vào lúc bấy giờ có một bài thơ nặc danh cũng đề cập đến pháp hành thiền, được ấn hành tại Bangkok, đã gợi nguồn cảm hứng cho Ngài. Vì cả hai bài thơ đều bắt đầu tương tợ nhau -- ba mươi chín hàng đầu khởi sự với đoạn "Thuở nọ có một người tự thương mình ... " Tuy nhiên bài thơ của Ajaan Mun sau đó phát triển theo một chiều hướng đặc biệt cho thấy có sự hiểu biết sâu xa và sắc bén hơn nhiều về công trình trau giồi rèn luyện tâm.
Công việc phiên dịch bài thơ gặp phải một số vấn đề khó khăn. Ðọc bản thảo rất khó. Ngài Ajaan Mun viết bằng tay, theo ngôn ngữ thời xưa khi tiếng Thái chưa được phổ cập đúng theo tiêu chuẩn hiện nay, chữ viết để lâu nét mực lem luốt khó đọc, và vài chữ về sau lại có người thêm thắt sữa đổi. Ðó là điểm khó khăn riêng biệt khi dịch bài thơ nầy. Còn điểm khó khăn thông thường là phải tìm danh từ Anh ngữ cho đúng với ý nghĩa của chữ Thái được dùng trong văn thơ. Những chữ Thái nầy đã được thận trọng chọn lọc để thích hợp với vần thơ, nhịp thơ, âm tiết và đôi khi không theo cú pháp. Văn phạm phần nào giống như lối văn chương dùng để đánh điện tín hay viết cái tựa lớn cho tờ báo. Lối hành văn nầy giúp cho câu thơ tiếng Thái, khi được đọc lên nghe nhẹ nhàng êm dịu và ý nghĩa dồi dào phong phú, nhưng lúc muốn chuyển dịch chính xác sang một ngôn ngữ khác thì quả thật là rối ren -- một bài học quý giá cho những ai cảm nghĩ rằng có thể diễn đạt chân lý qua ngôn từ.
Trong bản dịch sau đây tôi cố gắng theo sát ý nghĩa từng chữ càng nhiều càng tốt nhưng đôi khi cũng cần phải gọt giũa để người đọc bản tiếng Anh có thể hiểu dễ dàng. Bởi vì bài thơ được đặt theo lối văn nằm giữa hai hình thức -- klon và rai -- tôi cố gắng tạo hiệu quả tương tợ trong bản tiếng Anh bằng cách xen kẻ câu thơ không vần và câu thơ vần tự do. Kết quả có thể quá theo nghĩa từng chữ để giống như vần thơ, nhưng thiết nghĩ rằng người đọc sẽ quan tâm đến ý nghĩa nhiều hơn là hiệu quả của ngôn từ. Những trường hợp sửa đổi tự do nhất trong bài nầy được đặt trong dấu ngoặc như trong đoạn - mỉa mai đề cập đến cơn ghiền lầm lạc sửa chữa những sự vật -- theo bổn chánh hình như có sửa đổi.
Người đọc sẽ ghi nhận rằng ở một vài nơi bài thơ hình như đột ngột nhảy vọt từ vấn đề nầy sang đề tài khác. Trong vài trường hợp có sự đổi thay để thích hợp với vần thơ, nhưng ở nhiều nơi khác thật sự không phải nhảy sang một đề tài khác. Nên nhớ rằng bài thơ tác dụng trên nhiều tầng lớp. Ðặc biệt có hai tầng lớp theo song song nhau suốt bài. Ðó là:
(1) phân tách sự lầm lạc bên ngoài, gom tâm nhắm vào lỗi của người khác thay vì nhìn lại lỗi của chính mình; và
(2) thảo luận về sự lầm lạc bên trong tâm, nhìn vào (và chỉ trích) những uẩn như phần nào tách rời sự cố gắng của chính mình để hiểu biết nó. Những lời có chiều hướng nhắm thẳng vào một tầng lớp cũng gián tiếp áp dụng cho tầng lớp kia. Như vậy bài thơ thật sự bao gồm một phạm vi thực hành rộng rãi hơn là hình như nó là vậy nếu ta đọc thoáng qua. Ðây là một tác phẩm đáng được đọc tới đọc lui nhiều lần.
Nơi đây, tôi xin chân thành bày tỏ lòng biết ơn sự giúp đỡ vô giá của Ngài Phra Ajaan Suwat Suvaco (Phra Bodhidhammàcariya Thera) đã rọi sáng cho tôi vài đoạn gút mắt trong bài thơ. Những điểm sai lầm còn lại dĩ nhiên là của tôi.
Thànissaro Bhikkhu
Mettà Forest Monastery
Valley Center, CA 92082-1409
U.S.A.

 

Nội dung: Chứng Đạo Ca

Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ
Chủ đề:
Bình luận(0)